TP HCM lo ‘chảy máu chất xám’ khu vực công

Mức thu nhập, đãi ngộ chưa tương xứng với năng lực làm nhiều cán bộ trẻ tài năng rời bỏ hệ thống công, khiến TP HCM lo lắng về tình trạng “chảy máu chất xám”.

Vấn đề này được chính quyền thành phố đề cập trong báo cáo đánh giá chính sách với người có tài năng trong cơ quan nhà nước vừa gửi Bộ Nội vụ.

Cụ thể, giai đoạn 2001-2020, TP HCM thực hiện ba chương trình đào tạo. Trong đó, Chương trình trẻ tuổi tuyển 1.527 người vào hệ thống chính trị, nhưng hiện còn 978 trường hợp (64%) làm việc tại cơ quan nhà nước. Trong đó, 385 người được bổ nhiệm lãnh đạo quản lý, còn lại là cán bộ, công chức.

Chương trình thạc sĩ, tiến sĩ đào tạo được 920 học viên (828 thạc sĩ; 92 tiến sĩ) các nhóm ngành: quản lý nhà nước; quản lý đô thị; kinh tế; luật; khoa học công nghệ; khoa học chính trị, xã hội. Đến nay chỉ còn 686 học viên (74%) công tác tại các đơn vị công, trong đó 314 người được bổ nhiệm làm quản lý.

Chương trình công nhân từ năm 2010 mục tiêu quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, đã tuyển được 135 học viên (84 công nhân, 51 sinh viên). Hiện, chương trình còn 107 cán bộ (79%) công tác tại cơ quan nhà nước.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 6/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 6/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo UBND TP HCM, hiện chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức thấp, chưa phù hợp điều kiện thực tiễn của thành phố, đặc biệt là kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, dẫn đến khó giữ được cán bộ trẻ xuất sắc. Trong khi khu vực tư với chính sách tiền lương hấp dẫn thu hút cán bộ có năng lực từ khu vực công. Do đó, thành phố kiến nghị Trung ương quan tâm, không để tình trạng “chảy máu chất xám” trong hệ thống chính trị.

Về số lượng, chính quyền TP HCM cho rằng kết quả thực hiện ba chương trình nêu trên chưa đạt được chỉ tiêu đề ra do thành phố đang tinh giản biên chế, sắp xếp lại cán bộ theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Một số cán bộ, học viên sau khi hoàn thành đào tạo không được đánh giá đúng năng lực nên xin nghỉ, không hoàn thành thời gian công tác cam kết.

Từ 2018 đến nay, nguồn nhân lực cho ba chương trình cán bộ trẻ này giảm mạnh. Nhóm này cũng không còn được nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, nên thành phố không có cơ sở phát hiện, khuyến khích, tuyển chọn nhân lực trình độ cao vào hệ thống chính trị. Nhiều người có năng lực tốt sau khi hoàn thành thời gian phục vụ bắt buộc sau đào tạo không tiếp tục gắn bó.

Chính sách thu hút nhân tài là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của TP HCM thời gian qua cũng được đánh giá chưa hiệu quả.

Để giải quyết tình trạng này, TP HCM cho rằng Chính phủ cần xây dựng chiến lược hoặc nghị quyết thu hút, trọng dụng người tài chung cho cả nước với tầm nhìn dài hạn đến 2025, 2030, định hướng tới 2045. Việc tuyển chọn, chế độ đãi ngộ người tài cần có khung tối thiểu và tối đa để địa phương đưa ra phương án.

Thành phố kiến nghị Trung ương sửa đổi chính sách cải cách tiền lương hấp dẫn, phù hợp mức sống, điều kiện của đô thị; cho địa phương dùng ngân sách nhà nước để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người có tài năng để phát hiện, có chính sách thu hút.

Về chế độ đãi ngộ, thành phố cho rằng không nên tập trung vào thu nhập đầu vào mà đa dạng loại hình hỗ trợ với các nhóm đãi ngộ: mức hỗ trợ ban đầu (áp dụng một lần); tiền lương và sinh hoạt phí hàng tháng; tiền thưởng theo tỷ lệ lợi nhuận từ sản phẩm nghiên cứu hoặc theo đánh giá thành tích; các chính sách khác như hỗ trợ kinh phí thuê, mua nhà, tiền đi lại.

Thu Hằng